Chương trình vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ
A. Căn cứ pháp lý ( văn bản pháp luật cụ thể ) để thực hiện chương trình:
Văn bản số 03/CT – LT/9, ngày 20/03/1996 Chương trình phối hợp giữa Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh với Sở Khoa học & Công nghệ .
B. Giới thiệu về chương trình:
Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề đặt ra là phải xây dựng một nguồn nhân lực trẻ có kiến thức và kỹ năng cao về khoa học công nghệ, vừa tìm tòi nghiên cứu – sáng tạo vừa mở rộng ứng dụng – triển khai. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan và trong đó, tổ chức Đoàn phải xác định một phương thức hoạt động mới : đó chính là thiết kế và xây dựng một chương trình vừa góp phần đào tạo con người, khẳng định được vai trò của tổ chức Đoàn, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Trong điều kiện khoa học công nghệ đang được xây dựng và phát triển theo chiều hướng tích cực, Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và môi trường thành phố tập trung giải quyết 03 vấn đề chính nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong thanh thiếu niên : định hướng hoạt động khoa học công nghệ; chuyên gia tư vấn; kinh phí thực nghiệm – triển khai. Bắt đầu từ năm 1996, chương trình Vườn Ươm Sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ đã ra đời, mở ra cơ hội mới cho đội ngũ sáng tạo trẻ được góp măt vào hoạt động khoa học công nghệ cùng các bậc chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm và tạo ra môi trường để những nhà khoa học trẻ phát huy tối đa năng lực sáng tạo.
C Nội dung, mục tiêu chương trình:
1. Nội dung chương trình:
- Bám sát 15 chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của thành phố.
2. Mục tiêu chương trình:
- Tập hợp và tạo môi trường cho sự phát triển của các nhà khoa học công nghệ trẻ.
- Phát hiện - nuôi dưỡng và Sàng lọc những ý tưởng sáng tạo có cơ sở khoa học, có giá trị cao để nuôi dưỡng – tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học hoàn thiện để trở thành đề tài khoa học cấp thành phố.
- Hỗ trợ các đề tài ứng dụng dụng triển khai của thanh niên có khả năng tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, cải tiến công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ theo phương thức vườn ươm.
- Bồi dưỡng và từng bước xây dựng một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ tài năng cho giai đoạn phát triển sắp tới.
3. Đối tượng của chương trình:
- Là cá nhân – tập thể thanh thiếu niên có năng khiếu và say mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, đang học tập, lao động và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Là các cá nhân – tập thể có đề tài ứng dụng triển khai, chuyển giao kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển hoạt động khoa học của tuổi trẻ, cho sự phát triển của thành phố và khu vực.
- Là các chuyên gia khoa học có đề tài nghiên cứu cần có sự tham gia hợp tác của các nhà nghiên cứu trẻ.
E. Kết quả đạt được và phương hướng phát triển sắp tới:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VƯỜN ƯƠM SÁNG TẠO KHOA HỌC KỸ THUẬT TRẺ TỪ NĂM 1996 – 2004 :
Trong 09 năm qua, chương trình Vườn Ươm Sáng tạo KHKT Trẻ (gọi tắt là chương trình Vườn ươm) đã được duy trì, nâng chất và đi vào chiều sâu, thể hiện rõ mục đích phát hiện – nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo của tuổi trẻ Thành phố; xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ theo phương thức “vườn ươm”; góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ cho thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chuẩn bị tiềm lực để bước vào thế kỷ 21.
Trên cơ sở chương trình liên tịch giữa Thành Đoàn với Sở Khoa học Công nghệ thành phố, với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ TP, chương trình đã được triển khai đồng bộ và bám sát ba mục tiêu đã đề ra là :
• Phát động và nuôi dưỡng phong trào hiếu học và ham mê nghiên cứu sáng tạo trong thanh thiếu niên về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; trước hết là các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
• Sàng lọc những ý tưởng sáng tạo có cơ sở khoa học, có giá trị thực tiễn cao để nuôi dưỡng – tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu hoàn thiện để trở thành đề tài khoa học công nghệ cấp Thành phố.
• Phát hiện – bồi dưỡng và từng bước xây dựng một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ tài năng cho giai đoạn phát triển sắp tới.
* Kết quả đạt được trong 09 năm(Đính kèm danh sách ) 1996 – 2004 :
1. Về công tác thông tin - tuyên truyền - vận động :
* Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp cho Đoàn viên thanh niên là những cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ, giảng viên trẻ và các cơ sở Đoàn hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và nội dụng hoạt động của chương trình, văn phòng chương trình Vườn Ươm đã tập trung vào các công việc sau :
- Xây dựng nội dung thông tin ngắn giới thiệu về chương trình và phát hành rộng rãi thông qua các đợt triển lãm, hội nghị, hội thảo khoa học, các đợt tập huấn, giao ban ... với số lượng hơn 10.000 tờ.
- Thông tin giới thiệu thường xuyên về hoạt động của chương trình và giới thiệu tác giả, các đề tài tham gia chương trình trên các tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, SGGP, KHPT, Khoa học - Kinh tế - Kỹ thuật, Thông tin trong Đoàn....
- Tổ chức tọa đàm “Tuổi trẻ & Nghiên cứu Khoa học”, báo cáo chuyên đề KHKT... đã thu hút nhiều đối tượng quan tâm tham gia.
- Giới thiệu các gương mặt trí thức trẻ trưởng thành từ Chương trình trong kỷ yếu Tuần lễ Tuổi trẻ Sáng tạo 26/ 03; trong chuyên mục Trí thức Trẻ của Báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ Nhật.
- Phối hợp với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phóng sự tài liệu Tuổi trẻ Sáng tạo để giới thiệu về Chương trình Vườn ươm Sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ, cụ thể giới thiệu về các gương mặt trẻ tiêu biểu đã có công trình nghiên cứu tham gia vào các chương trình hoạt động Khoa học công nghệ do Thành Đoàn phát động.
- Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Giải thưởng Eureka đã có nhiều sinh viên, cán bộ giảng dạy trẻ, học viên sau đại học tham gia vào chương trình này. Đây là nguồn đề tài có thể phát triển thành dạng R – D.
2. Về công tác tiếp nhận và xét duyệt các đề tài khoa học công nghệ :
Để có nguồn đề tài nghiên cứu khoa học dạng R - D do các tác giả trẻ đăng ký, Văn phòng Chương trình thực hiện nhiều biện pháp quy trình hóa, giúp người nghiên cứu hiểu và chủ động thực hiện trong quá trình đăng ký và thực hiện đề tài cụ thể :
a) Tiếp nhận ý tưởng sáng tạo tại Văn phòng chương trình, mời các chuyên gia khoa học hướng dẫn các tác giả bổ sung và phát triển ý tưởng thành đề tài, tư vấn và hướng dẫn thủ tục đăng ký.
b) Hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu cho các đề tài của sinh viên và cán bộ giảng dạy trẻ ở các trường đại học. Sau đó chọn những đề tài có tính khả thi nhất đưa sang giai đoạn 2, tức là nâng lên thành một đề tài R - D và hướng dẫn thủ tục đăng ký.
c) Từ kết quả nghiên cứu thử nghiệm của các nhà sáng tạo Khoa học kỹ thuật trẻ thuộc các Câu lạc bộ sáng tạo. Văn phòng Vườn Ươm kịp thời phát hiện, tư vấn hỗ trợ và chọn hướng đề tài và hướng dẫn thủ tục đăng ký.
d) Vận động các cơ sở Đoàn, các Ban – Trung tâm trực thuộc Thành Đoàn đăng ký các đề tài Khoa học xã hội nghiên cứu về vấn đề thanh niên phục vụ cho công tác Đoàn.
e) Đặc biệt quan tâm đến các nhà nghiên cứu trẻ ở các cơ quan, Viện nghiên cứu chưa có điều kiện đăng ký riêng đề tài của mình, hỗ trợ một phần để các tác giả trẻ hoàn thành đề tài với sự cố vấn của chuyên gia khoa học uy tín. Trong năm đã có nhiều tác giả trẻ thuộc trường hợp này được phát hiện và hoàn thành tốt đề tài.
3. Về công tác triển khai - ứng dụng công trình nghiên cứu khoa học:
Nhằm hỗ trợ cho tác giả đề tài triển khai kết quả sáng tạo của mình vào thực tiển đời sống, Văn phòng chương trình đã nổ lực giới thiệu tuyên truyền trên báo chí, trong các đợt triển lãm khoa học công nghệ để đẩy mạnh thông tin, giới thiệu cho xã hội về “Tác giả, tác phẩm sáng tạo khoa học công nghệ” và nhiều đề tài, sản phẩm được xã hội quan tâm như :
- Thiết bị và công nghệ bóc vỏ lụa hạt điều của KS. Nguyễn Văn Vững đã được nhiều người quan tâm và liên hệ với Văn phòng chương trình để trao đổi chuyển giao công nghệ.
- Thiết bị tự động hoá hệ thống sản xuất dây truyền dịch và bầu chứa dịch truyền của PTS. Phạm Ngọc Tuấn đang được ứng dụng ở Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại & sản xuất thiết bị y tế Minh Tâm (Hóc Môn) và được cơ sở đánh giá cao vì vận hành đơn giản, năng suất ổn định, giảm thiểu tiêu hao nguyên vật liệu.
- Các giống vịt cao sản hướng thịt (sản phẩm của đề tài do TS. Dương Xuân Tuyển làm chủ nhiệm) đã được bà con nông dân các tỉnh phía Nam chăn nuôi cho hiệu quả cao.
- Quy trình xử lý mạt cưa – nuôi trùn – làm phân bón đã được nhiều các nhà làm vườn quan tâm, một số cô chú đã chính thức đề nghị tác giả chuyển giao kinh nghiệm sản xuất.
4. Một số kết quả thiết thực
- Đào tạo và bồi dưỡng, tạo môi trường nghiên cứu khoa học cho khoảng 300 nhà khoa học trẻ.
- Tiếp nhận khoảng hơn 1000 ý tưởng nghiên cứu khoa học, tạo tiền đề cho các đề tài nghiên cứu, ứng dụng triển khai vào thực tế
- Tổ chức triển khai thực hiện hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học.
- Chương trình đã tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học trẻ, tạo cầu nối cho các nhà khoa học trẻ được giao lưu và trao đổi kinh nghiệm và tạo môi trường phát triển cho các nhà khoa học trẻ
- Hướng cho thanh niên – sinh viên – các nhà khoa học trẻ trong thành phố đến với nghiên cứu khoa học, tạo được phong trào nghiên cứu khoa học sâu rộng trong thanh niên và các nhà khoa học trẻ.
- Phát hiện – đào tạo và bồi dưỡng lực lượng đáng kể các nhà khoa học trẻ kế thừa để đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
1/ Về tiến độ triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều thanh niên – sinh viên – cán bộ nghiên cứu trẻ đã quan tâm đến hoạt động của Chương trình. Mở rộng tuyên truyền, vận động đến các Câu Lạc Bộ Khoa học kỹ thuật cấp thành và cơ sở; khuyến khích các cán bộ Đoàn các Ban – Trung tâm trực thuộc Thành Đoàn tham gia các đề tài khoa học xã hội.
2/ Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quản lý theo quy trình cải tiến. Văn phòng Chương trình đã tiếp nhận nhiều ý tưởng sáng tạo và đã liên hệ với các chuyên gia khoa học để thu nhận ý kiến đánh giá ban đầu về các ý tưởng đăng ký. Dựa trên cơ sở đó, góp ý định hướng nghiên cứu cho các tác giả, phát triển ý tưởng thành một đề tài thật sự và hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục đăng ký đề tài. Đồng thời làm rõ tính đặc trưng của chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ.
3/ Theo dõi và hỗ trợ các chủ nhiệm đề tài trong quá trình thực hiện đề tài đăng ký. Văn phòng chương trình cố gắng bám sát từng đề tài theo từng giai đoạn nhất định để có những đề xuất kịp thời với Ban chủ nhiệm Chương trình.
4/ Các đề tài triển khai nghiên cứu – ứng dụng đa phần chậm hơn so với tiến độ đã đăng ký đa số các đề tài đều bị ách tắc lại ở công tác thẩm định thông tin, công tác thẩm tra tài chánh và chuyển kinh phí thực hiện đề tài. Văn phòng Chương trình đang bổ sung những văn bản mới trong quy trình tiếp nhận - quản lý đề tài; hướng dẫn chủ nhiệm đề tài về các vấn đề thường vướng mắc như giải trình kinh phí, công tác chuẩn bị xét duyệt - giám định - nghiệm thu....
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH TRONG NHỮNG NĂM SẮP TỚI
1. Tập trung triển khai đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ ở các cơ sở đoàn, các viện – trung tâm nghiên cứu, trường Đại học – Cao đẳng và các doanh nghiệp sản xuất.
2. Tổ chức thông tin – Tuyên truyền sâu, rộng trong thanh niên.
3. Tiếp tục phát triển các đề tài nghiên cứu – Ứng dụng đã được tổ chức nghiệm thu theo hướng hoàn thiện công nghệ và triển khai thực tế, bằng cách phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ giới thiệu các sản phẩm nghiệm thu từ Chương trình vườn ươm.
4. Tập trung nghiên cứu các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của thành phố và các vấn đề cấp bách của xã hội.